Xuất phát từ Hà Nội vào đúng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Đoàn khảo sát của Văn phòng đại diện Miền Bắc Quỹ Từ thiện sức khỏe là số 1- chúng tôi háo hức lên đường vượt qua chặng đường 250km tới vùng đất thuộc phía Bắc của Thành phố Tuyên Quang, nơi đây nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh mà ai đã đến dù chỉ một lần thì nhớ mãi. Chúng tôi có mặt tại Thị trấn Na Hang, đã 4 giờ chiều, vẫn kịp để ngắm hoàng hôn với những vạt nắng trải dài trên các ngọn cây như một tấm thảm vàng khổng lồ.
Cảm nhận đầu tiên đó là không khí trong lành với nhiều cây xanh và những con đường rộng rãi. Nếu trước đây, từ Thành phố Tuyên Quang đến Na Hang mất cả ngày thì nay chỉ 2 giờ đồng hồ thôi, vừa đi vừa chiêm ngưỡng cảng đẹp núi rừng hùng vĩ bao quanh những con đường với những khúc quanh, thấp thoáng bóng những chiếc xe máy của những khách đi du lịch “ phượt” để trải nghiệm sự mới mẻ, thì quãng đường hơn100km không làm khó cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, vùng du lịch sinh thái được ví như ““Hạ Long cạn” này, còn với Người Tày, Na Hang được gọi là “Ruộng cuối”, cái tên rất giản dị như người dân nơi đây, bao đời thật thà, chăm chỉ gắn bó với những thửa ruộng bậc thang lên lỏi uốn lượn giữa những sườn đồi.
Nơi đây, thiên nhiên đã ban tặng vùng đất Na Hang những cảnh vật kỳ vĩ, những cánh rừng trải dài một màu xanh ngập mắt, những hang động kỳ bí và con thác nổi tiếng như thác mơ, Pắc Hẩu, Nặm me,…Tiếng thác reo ầm ào ngày đêm như tiếng núi rừng kể về những câu truyện truyền thuyết truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhớ mãi cội nguồn, khắc sâu nghĩa tình chồng vợ, anh em,…Cách thị trấn Na Hang 6 km chúng tôi đã đến thác Mơ, con thác nổi tiếng với truyền thuyết nàng Mơ lên núi tìm chồng đi hái thuốc rồi mãi không trở về, dòng nước trắng xóa ào ạt từ đỉnh núi như tiếng gọi tìm chồng da diết. Dưới chân thác là hồ nước trong vắt, mùa hè thỏa sức bơi lội, tắm mát, dưới lòng hồ nhìn lên dòng thác chúng ta lại thấy dòng thác hiền hòa mềm dịu như mái tóc của người con gái thủy chung, trải dài trên màu xanh của núi rừng.
Na Hang có tới hơn chục đồng bào dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nhưng trong đó chủ yếu là Dân tộc Tày (57,5%), người Dao (23,3%), người Kinh (9,7%),…Mỗi đồng bào dân tộc có phong tục tập quán khác nhau nên Na Hang còn được mọi người biết đến là vùng đất có kho tàng văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, những điệu hát then, hát lượn say đắm, những lễ hội Lồng Tông, lễ hội nhảy lửa của Người Dao đỏ (xã Đà Vị) chỉ nghe thôi đã thấy sự thú vị, muốn hòa nhập cùng nắm tay các chàng trai, cô gái rực rỡ trong trong vô vàn sắc màu của những tà váy áo,…
Đến Na Hang, bạn có thể ở khách sạn hoặc tận dụng không khí du lịch cộng đồng tại homestay, thưởng thức các món ăn đặc biệt như xôi ngũ sắc, thịt chua ngâm ủ với hơn chục loại thảo mộc thiên nhiên, bì trâu xào mềm ngọt lịm, măng đắng chấm mẻ, hoa chuối rừng, và không thể thiếu món lẩu cá lăng với rau rừng… nhâm nhi cốc rượu ngô và ngắm nhìn những cô gái xinh đẹp như hoa lê, uyển chuyển trong điệu múa.
Rượu ngô men lá được sản xuất ngay tại địa phương, bạn có thể uống thoải mái mà không sợ say, bởi rượu ngô nhẹ lâng từ men lá tự nhiên và bạn càng yên tâm nếu có dịp được tham quan trực tiếp dây chuyền sản xuất rượu nơi đây. Nói đến rượu ngô tôi bỗng nhớ đến bài thơ: “Ra đường thì gặp rượu; về nhà gặp mắt em; Bạn ơi hai thứ đó; Làm lòng ta say mềm”, vâng đúng là say nghĩa, say tình, say cùng thành quả lao động và say sự mến khách của Người Na Hang.
Tạm biệt điệu hát Then, tạm biết rượu ngô nồng nàn, vượt thêm 70 km chúng tôi đến xã Hồng Thái, với độ cao trên 1200 m so với mực nước biển, khí hậu nơi đây được coi như Sa Pa thứ 2 của vùng Tây bắc nước ta, đến đây vào mùa hoa lê (đầu tháng 3) bạn sẽ thỏa sức tạo dáng cho mình bộ sưu tập ảnh “độc”, “lạ” giữa rừng hoa lê trắng muốt.
Cây lê rất đặc biệt, đúng mùa hoa, cây lê trắng xóa như một cây kem bông khổng lồ, một làn gió nhẹ thoảng qua mơn man trên cánh hoa sẽ rung rinh như làn môi chúm chím. Đứng từ xa màu trắng như tuyết của hoa lê phủ trên sườn đồi cỏ mọc xanh mướt nhìn như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ.
Đi thêm 1 con dốc đến Trụ sở UBND xã Hồng Thái, mọi người còn chưa hết trầm trồ vẻ đẹp của thảm tuyết hoa lê, thì một con đường hoa lê dài hàng cây số lại hiện ra ngay phía trước, cứ thế, chúng tôi như lạc vào “Bồng lai tiên cảnh” thỏa thích hòa mình vào màu trắng của những bông lê chinh trắng. Thời điểm chúng tôi đến, dù đã gần cuối mùa hoa nhưng vẫn còn kịp để ghi lại hình ảnh nhưng bông hoa lê cuối cùng, vẫn trắng xóa, cánh hoa căng tròn tinh khôi, như nụ cười của cô gái mới lớn, xa xa những cô gái, chàng trai nắm tay nhau chụp ảnh, nô đùa tận hưởng không khí không thể trong lành, hạnh phúc hơn.
Tạm biệt vùng cao Hồng Thái, chúng tôi đã có một ngày vô cùng ý nghĩa ngồi trên du thuyền giữa một vùng trời nước mênh mang, dòng nước hồ phẳng lặng như mặt gương, hai bên là những dãy núi trùng điệp với 99 ngọn núi nhấp nhô như một bức tranh thủy mạc, cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Du lịch trên thuyền, du khách sẽ được ghé vào đền, Pác Vãng, Pác Tạ linh thiêng để cầu mong sức khỏe và bình an cho gia đình. Pác Tạ là một địa danh gắn liền với di tích lịch sử, phụng thờ và ngưỡng vọng vị Hôn phu của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là nơi ghi dấu tích cho cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2. Pác Tạ còn có nghĩa là “cửa sông cửa ngòi”, bởi nơi đây là điểm hợp lưu của 2 dòng sông Gâm và Sông Năng.
Dù chưa đi khám phá được hết mảnh đất kỳ bí, nhưng chúng tôi tin rằng Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, với con người Na Hang khéo léo, hiền hòa dễ mến, Na Hang hội tụ đủ các yếu tố để phát triển ngành du lịch sinh thái góp phần phát triển kinh tế của huyện Na Hang nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung./.